Chuyển mình với GMP EU: Bài học của Pymepharco (PME)

08/03/2019 10:41

Theo đó, kết thúc năm 2018, Pymepharco đạt doanh thu 1.675 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,2%; lợi nhuận trước thuế 387 tỷ đồng, tăng 7,7% so với thực hiện năm 2017. Các doanh nghiệp trong ngành chưa công bố báo cáo năm 2018 để so sánh, nhưng nếu tính đến quý III/2018, PME ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế vượt trội so với trung bình 15 doanh nghiệp niêm yết, lần lượt tăng trưởng ở mức 2,7% và 6%.

Kết quả này xuất phát từ việc sản phẩm của Pymepharco thuộc nhóm 2 trong đấu thầu nên ít bị biến động giảm giá, chưa kể dây chuyền thuốc bột pha tiêm Cephalosporin đạt tiêu chuẩn GMP châu ÂU (GMP-EU) được đưa vào vận hành từ đầu năm cũng đóng góp vào tăng trưởng.

Stada trở thành cổ đông chiến lược và hiện diện tại PME từ năm 2008, có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ PME đạt được những phát triển về mặt kỹ thuật thông qua đầu tư nhà máy theo tiêu chuẩn GMP-EU, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị và hoạt động Công ty.

Đại hội cổ đông Pymepharco với sự tham gia của Stada

Trên thực tế, các nhà máy của PME đạt được tiêu chuẩn GMP-EU có sự đóng góp, hỗ trợ rất lớn từ đối tác này. Hiện PME sở hữu 2 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-EU, bao gồm:

  • Nhà máy sản xuất kháng sinh Cephalosporin dạng viên được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu công nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (GMP-EU) từ năm 2013;
  • Nhà máy sản xuất thuốc bột pha tiêm Cephalosporin được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu công nhận đạt tiêu chuẩn GMP-EU vào tháng 1/2018 và được Bộ Y tế Việt Nam công bố vào tháng 3/2018.

Nhà máy thuốc tiêm Cephalosporin đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh và trúng thầu vào Nhóm 1 và 2 Gói thuốc Generic, từ đó gia tăng công suất sản xuất. Được biết, PME cũng đã trúng thêm một số gói thầu mới tại một số tỉnh, thành phố. Đồng thời, PME triển khai dự án Nhà máy Non-Betalactam theo tiêu chuẩn GMP-EU khởi công tháng 1/2018 với vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Khi hoàn thiện, nhà máy này trở thành nhà máy lớn, hiện đại nhất Việt Nam với công suất 1,2 tỷ viên/năm và là điểm nhấn tăng cường lợi thế cạnh tranh cho PME cho giai đoạn sau năm 2019.

Ông Huỳnh Tấn Nam, Tổng giám đốc PME cho hay, nhà máy hiện hoàn thiện xây dựng cơ bản khoảng 70%, sẽ lắp đặt thiết bị trong 2 tháng tới. Nhà máy dự kiến khánh thành vào tháng 5/2019 và theo kế hoạch sẽ được chuyển giao công nghệ từ châu Âu. Mục tiêu của PME, ngay khi khánh thành nhà máy, được Bộ Y tế Việt Nam công nhận, với sự hỗ trợ tích cực của cổ đông chiến lược Stada, Công ty sẽ chuyển giao hồ sơ sản xuất, chuyển giao kỹ thuật để nhà máy được công nhận chuẩn GMP-EU trong năm 2019. Với 2 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-EU, PME sẽ có khả năng đấu thầu thuốc Non-Betalactam vào Nhóm 1 và 2 Gói thuốc Generic. Đây là một mảng rất tiềm năng khi các công ty dược trong nước mới chỉ đáp ứng được lần lượt là 3% và 25% nhu cầu về giá trị. Như vậy, khoảng năm 2019-2020, PME sẽ trở thành doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sở hữu 3 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-EU, tạo thế chân kiềng vững chắc về cơ cấu sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao.

Theo nhiều đánh giá, ít nhất trong vài năm tới, khó có doanh nghiệp Việt Nam nào có thể đuổi kịp về số lượng nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-EU như PME. Công ty Chứng khoán FPT nhận định, với nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-EU, PME sẽ có khả năng đấu thầu thuốc Non-Betalactam vào Nhóm 1 và 2 Gói thuốc Generic. Đây là một mảng rất tiềm năng khi các công ty dược trong nước mới chỉ đáp ứng được lần lượt là 3% và 25% nhu cầu về giá trị.

Năm 2019, nhiều công ty chứng khoán dự báo tốc độ tăng trưởng của PME sẽ duy trì ở mức tích cực 10 - 12% nhờ sự tăng trưởng tự nhiên của ngành và lợi thế cạnh tranh của Công ty được củng cố khi cả 2 nhà máy đạt chuẩn GMP-EU đi vào hoạt động. Dự kiến năm 2019, doanh thu của PME sẽ đạt 1.917 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 400 tỷ đồng. Ðáng chú ý, việc sở hữu các nhà máy đạt chuẩn GMP-EU (cần thời gian, công sức và mất ít nhất 2 năm để đầu tư nhà máy theo chuẩn này) là lợi thế rất lớn của PME hiện tại.

Nguồn: Tin nhanh chứng khoán