Thách thức của thị trường dược phẩm 5,2 tỷ USD tại Việt Nam

06/03/2019 10:23

Theo theo số liệu của Business Monitor International, thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng lạc quan. Năm 2017 doanh thu của thị trường trong nước ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm trước và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới.

Ngành dược được dự báo được hưởng lợi nhờ nhu cầu sử dụng thuốc của người dân đang ngày càng lớn, do quy mô dân số tăng nhanh và thu nhập bình quân đầu người tăng cao cũng như dân trí được cải thiện.

Việt Nam hiện vẫn trong cơ cấu dân số vàng, nhưng đã bước vào giai đoạn "già hóa" từ năm 2017. Báo cáo từ Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo, quá trình già hóa tại Việt Nam sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn: chỉ khoảng 15 năm và hoàn tất trước 2040. Dân số già đi đồng nghĩa chi tiêu chăm sóc sức khỏe sẽ nhiều hơn.

Chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn từ 2010 (22,25 USD) đến 2015 (37,97 USD). Mức tăng trưởng trung bình trong chi tiêu dành cho thuốc hàng năm đạt 14,6% trong giai đoạn 2010 - 2015.

Trong vài năm tới, chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp đôi lên 85 USD (năm 2020) và 163 USD trong năm 2025 với mức tăng trưởng 14%/năm.

Tiềm năng tăng trưởng của thị trường đã thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại, các tập đoàn quốc gia trên thế giới, thậm chí cả những nhà đầu tư trong nước hoạt động ngoài ngành.

Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước làTập đoàn Vingroup mới đây đã thành lập Công ty Cổ phần Vinfa hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và xây dựng dự án nghiên cứu sản xuất thuốc 2.200 tỷ đồng quy mô gần 10ha tại Bắc Ninh.

Masan Group, tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng cũng tiết lộ sẽ tham gia vào thị trường dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Masan thường lựa chọn chiến lược M&A nhằm nhanh chóng gia nhập vào thị trường mới.

Sự tham gia của Vingroup và Masan Group tuy chưa ảnh hưởng đến cơ cấu ngành dược phẩm, nhưng phần nào khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm dè chừng. 

Hiện tại cả nước có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm bao gồm cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI, khoảng 194 nhà máy thuộc 158 doanh nghiệp đạt chuẩn GMP- WHO.

Tuy vậy các doanh nghiệp trong ngành hiện gặp nhiều thách thức. Theo một khảo sát với các doanh nghiệp trong ngành của Vietnam Report thực hiện cuối năm ngoái, “Quy trình đấu thầu thuốc bệnh viện – kênh ETC” và vấn đề “Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài” đang là những rào cản lớn nhất.

Nguyên nhân được cho là xuất phát từ chính sách và thang điểm đấu thầu thuốc hiện nay vẫn bị nhiều doanh nghiệp đánh giá chưa phù hợp. 

Tiếp đó là thị trường dược Việt Nam vẫn còn bị đánh giá chưa ổn định do nguyên dược liệu sản xuất phụ thuộc quá lớn vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, khoảng 90% và chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành dược dễ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá hay những cú sốc về nguồn hàng cung cấp; cộng thêm chi phí nhập khẩu khiến giá thành xuất khẩu thuốc của Việt Nam cao hơn khoảng 20-25% so với Trung Quốc, Ấn Độ.

Ngoài ra, việc thiếu khả năng nghiên cứu do thiếu hụt nguồn lực tài chính và nhân lực chất lượng cao, các công ty dược trong nước hiện vẫn mới chỉ tập trung sản xuất các loại thuốc gốc (generic) có giá trị thấp, khả năng cạnh tranh kém dẫn đến tình trạng vừa cạnh tranh nội bộ ngành, vừa phải cạnh tranh với các thuốc generic nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới. 

Thách thức của thị trường dược phẩm 5,2 tỷ USD tại Việt Nam 1
Nguồn: Vibiz.vn

Về hoạt động bán lẻ, phân phối dược phẩm, năm 2018, thị trường ghi nhận sự sự tham gia của những ông lớn như Thế giới Di động, FPT Retail, Digiworld, Nguyễn Kim. Còn mới đây, Vingroup đã khai trương 11 cửa hàng thuốc VinFa, nằm cạnh các siêu thị Vinmart.

Bán lẻ, phân phối dược phẩm không giống như bán lẻ các sản phẩm khác do những đặc thù riêng yêu cầu đội ngũ nhân viên bán hàng trong lĩnh vực này phải có kiến thức vững vàng về các loại dược phẩm.

Bởi vậy việc xây dựng đội ngũ nhân sự lớn trong bán lẻ dược phẩm cũng khó hơn rất nhiều so với lĩnh vực khác. Việc chưa quen với hình thức mua thuốc trực tuyến của người tiêu dùng cũng sẽ là rào cản đối với các doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực bán lẻ dược phẩm.

Theo nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): "Với ngành dược, người chiến thắng cần phải có đối tác chiến lược hữu ích và giải pháp cho đầu ra".

VDSC cũng nhấn mạnh rằng ngành dược Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những rủi ro nhất định như rủi ro về chính sách. Ngoài ra các hiệp định FTA có hiệu lực sẽ làm giảm thuế nhập khẩu đối với thuốc ngoại nhập. 

Đó là chưa kể giá nguyên liệu nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức cao, do tác động từ các chính sách bảo vệ môi trường từ Trung Quốc.

Nguồn: Theleader